Những năm gần đây, ngành gỗ có tốc độ tăng trưởng khá khả quan, ở mức 15 - 20%/năm. Nếu như năm 2015, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt mức 6,9 tỷ USD, thì dự kiến cả năm nay, con số này có thể đạt tới 7,3 tỷ USD.
Theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm 2016, ước giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường NK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 69% tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường có giá trị XK gỗ tăng mạnh là Hàn Quốc (18%), Anh (12,4%), Trung Quốc (11,3%) và Australia (9%). Còn nhiều dư địa xuất khẩu
Tại hội thảo “Ngành công nghiệp chế biến gỗ: Mở rộng cơ hội XK” diễn ra ngày 4/10, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định, những năm gần đây, ngành gỗ có tốc độ tăng trưởng khá khả quan ở mức 15 - 20%/năm. Nếu như năm 2015, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức 6,9 tỷ USD thì dự kiến cả năm nay số này có thể đạt tới 7,3 tỷ USD. Thậm chí, trong năm 2017, dự kiến XK gỗ và sản phẩm gỗ có thể cán mốc 8 tỷ USD.
Nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ của thị trường thế giới rất rộng lớn, không dưới 240 tỷ USD/năm, riêng thị trường Mỹ không dưới 30 tỷ USD/năm, thị trường EU không dưới 85 tỷ USD/năm. Như vậy, cơ hội mở rộng XK gỗ và các sản phẩm gỗ cho các DN còn rất lớn bởi nhu cầu hiện nay của thế giới ngày càng tăng cao.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), cho biết kim ngạch XK gỗ tại 70 quốc gia trên thế giới đạt gần 138 tỷ USD, con số này đại diện cho các quốc gia XK đại diện cho 95% nhà sản xuất và tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới. Việt Nam đạt 5%, đứng thứ 5 thế giới về XK đồ gỗ, đứng thứ 2 ở châu Á và đứng đầu Đông Nam Á.
Xét về phương tiện tiêu dùng, hiện tiêu dùng gỗ toàn cầu trong năm 2015 đạt khoảng 467,7 tỷ USD, trong đó sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đưa ra thị trường mới chỉ chiếm khoảng 1,65%, như vậy xuất phát điểm của chúng ta còn thấp, dư địa XK và phát triển còn nhiều.
Nhiều cơ chế chính sách cho ngành gỗ hiện rất thông thoáng
Bên cạnh đó, đến nay, tình trạng suy thoái kinh tế của châu Âu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Trong 5 năm qua, thị trường sản xuất và XK đồ gỗ ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi đều không tăng. Ở Bắc Mỹ tăng lên chút xíu nhưng không đáng kể, duy chỉ có châu Á là tăng với một độ dốc đáng kể.
Ở châu Á có 2 cường quốc sản xuất đồ gỗ lớn là Trung Quốc chiếm tỷ trọng XK tới 38%, Việt Nam chiếm tỷ trọng 5%, như vậy độ lệch giữa người đứng thứ năm và người đứng thứ nhất là quá xa. Trong khi đó, Trung Quốc đang gặp bất lợi là thị trường Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá đối với đồ gỗ của họ, sức cạnh tranh giảm đi. Đây là cơ hội để chúng ta có thể phát triển thị phần XK đồ gỗ của mình trên thế giới.
Các tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt là việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… cũng mang nhiều tín hiệu tích cực tới ngành gỗ.
Theo ông Quyền, trong các hiệp định song phương và đa phương như TPP có lộ trình cam kết giảm thuế, nhưng bản thân ngành gỗ Việt Nam từ 2006 đến nay, thuế XK bằng 0, thuế NK nguyên liệu bằng 0, nên sự tác động không lớn. Các rào cản phi thuế quan cũng không gây nhiều khó khăn cho ngành gỗ. Ngoài ra, thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách cho ngành gỗ hiện rất thông thoáng, tạo điều kiện để DN XK hoạt động thuận lợi. Tất cả các yếu tố này góp phần mở rộng cơ hội XK cho toàn ngành.
Chuẩn bị tốt để đón cơ hội
Cơ hội cho các DN gỗ tuy nhiều, nhưng vấn đề là làm sao để các DN tận dụng được cơ hội này.
Ts. Tô Xuân Phúc - tổ chức Forest Trends, cho rằng hội nhập sâu, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định trong đó có TPP, cơ hội đến từ TPP không phải từ vấn đề thuế mà cơ hội chính là đánh bóng ngành gỗ.
Để làm được điều này, một trong những việc cần làm là loại bỏ rủi ro trong thương mại sản phẩm gỗ. Hiện rủi ro đang tồn tại trong ngành gỗ là việc sử dụng gỗ có nguồn gốc không rõ ràng, đặc biệt là các sản phẩm rừng nhiệt đới. Loại bỏ rủi ro nghĩa là không sử dụng các sản phẩm này nữa.
Hiện nay các sản phẩm gỗ có từ khu rừng nhiệt đới XK sang các nước này hiện tại tương đối nhỏ và chỉ có một số DN tham gia vào, nên ông Phúc cho rằng loại bỏ những rủi ro này hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, việc này không chỉ trông chờ vào các DN, mà cần sự tham gia của cả các hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh việc loại bỏ rủi ro, rất cần các chính sách thúc đẩy phát triển. Một trong những mảng chính sách cần phát triển đó là cập nhật thông tin thị trường cho các DN về những loại hình rủi ro, trong đó có những rủi ro về những loại gỗ nhập khẩu làm nguyên liệu.
Bên cạnh cơ hội lớn cho ngành gỗ, ông Quyền trăn trở: “Chúng ta tự hào ngành gỗ XK đi nhiều nước, nhưng trăn trở lớn là gỗ Việt Nam XK ra nước ngoài vẫn bán giá FOB tại cảng Việt Nam, chưa bán được giá CIF (giá FOB thấp hơn rất nhiều so với giá CIF). Muốn XK được giá CIF, các DN phải nâng cao tính chuyên nghiệp, hiểu biết rành rọt về thương mại quốc tế, phải giải trình được tất cả các yêu cầu của thị trường NK. Hiện các DN Việt Nam vẫn chưa làm được điều này”.
Ông Quyền cho rằng muốn tận dụng cơ hội, các DN Việt Nam phải làm rất nhiều việc, tuy nhiên, quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành gỗ. Hiện đây là hạn chế rất lớn, ở Việt Nam chưa có trường đào tạo công nhân lành nghề.
Ông Quyền cho biết, trước kia cũng từng có trường đào tạo công nhân, nhưng giờ đã trở thành trường cao đẳng, không đào tạo công nhân nữa. Đội ngũ cán bộ trung gian cho ngành gỗ cũng rất hạn chế, tính chuyên nghiệp của công nhân ngành gỗ còn rất yếu. Đây là vấn đề bức xúc nhất cần phải làm trong thời gian tới.
Bình luận